Khi “Bụi Đời” thấp thóang trong mỗi ngôi nhà

Cuối tuần rồi nói chuyện với Tùng Nguyễn, một nhân vật trong bài viết của tôi. Tùng Nguyễn là người tù chung thân duy nhất được thống đốc tiểu bang California ký lệnh ân xá trong năm 2011, sau 18 năm ở tù.

Rất nhiều điều đã thay đổi trong cuộc sống của Tùng kể từ sau khi Tùng ra tù, và nhất là sau khi bài báo đó được viết ra. 

Trong lần nói chuyện này, Tùng kể tôi nghe một vài câu chuyện mà nhiều độc giả đã tìm đến để chia sẻ, tâm sự với Tùng.

Nghe chuyện Tùng kể, tôi lại nhớ đến bài viết này, có lẽ vài người đã từng đọc trên blog tôi trước đây.

****

 Cảm giác chông chênh và hoang mang. Một điều gì đó thật đáng thương và cũng thật đáng sợ. Một hình ảnh nhập nhòe khó phân định giữa lằn ranh tốt và xấu, hay và dở. Nhưng vượt lên hết là một tâm trạng day dứt đến nặng nề về một thực trạng đang diễn ra ngấm ngầm trong mỗi gia đình người Việt trên mảnh đất tự do này. Ðó là những gì tôi có được sau khi xem phim “Dust of Life – Bụi Ðời” của đạo diễn Lê Văn Kiệt.
Bụi Đời” trong phim
“Bụi Đời” mở ra bằng thước phim tư liệu về hình ảnh của đoàn người lam lũ, đau thương lênh đênh trên những con tàu đi tìm tự do, chưa biết đâu là bến là bờ.
“Bụi Đời” kết thúc bằng cái chết của người thanh niên ngay trên mảnh đất được mệnh danh là thiên đường của tự do, khi trong lòng còn đầy những hoài nghi cho tương lai.
Bối cảnh diễn ra câu chuyện phim là một Sài Gòn nhỏ, nơi con đường Bolsa chạy dài qua, ở những năm đầu thập niên 90, khi mà người dân tị nạn Việt Nam đang chập chững bước đầu hình thành một cộng đồng mới.
Trên bức nền đó, “Bụi Ðời” đề cập đến thân phận những người trẻ lạc loài trong một xã hội còn quá nhiều xa lạ. Họ xung đột với nguồn gốc chính mình, cô đơn ngay trong gia đình mình và không ít trong số đó đã lún chìm trong guồng quay của băng đảng và tội ác.
 “Trong tiếng Việt, những đứa trẻ như chúng tôi được gọi là ‘bụi đời.’ Đời chúng tôi khác gì như bụi bậm, không ai thèm, không ai muốn, mặc gió có thể cuốn bay dạt bất cứ nơi nào. Chúng tôi là những đứa trẻ bị bỏ rơi, bị quên lãng. Chúng tôi được sinh ra từ một thế giới chỉ thấy có nỗi buồn và sự khổ đau.” Như một lời tự sự, Johnny, nhân vật chính, bắt đầu kể cho người xem câu chuyện của mình.
Hai nhân vật chính của “Bụi Đời” là Johnny và Mai, đại diện cho hai hoàn cảnh gia đình hoàn toàn khác nhau. Nhịp sống mới, cách sống mới nơi đất lạ đã cuốn đi tất cả thời gian đáng ra bậc phụ huynh phải dành cho gia đình và con cái. Không người quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ đúng mực, những người trẻ như Johnny, như Mai dễ dàng sa chân vào những trò ngông dại và phải trả cho những nông nổi của mình bằng cái giá thật đắt.
Bụi đời thấp thoáng trong mỗi gia đình
Tôi không ở Little Saigon vào thời điểm của câu chuyện, tôi không hình dung ra “phố bụi Bolsa” từng như thế nào, con người Bolsa trong giai đoạn định hình ra sao, ngoại trừ những gì được gợi lên trong phim và qua những lời kể.
Có điều, tôi nhận ra diện mạo “bụi đời” của nhiều gia đình di dân mới thấp thoáng trong bộ phim này.
Tâm trạng hoang mang, lạc lõng, phải hứng chịu những ánh mắt kỳ thị khi đối diện với một nền văn hóa hoàn toàn xa lạ của Johnny là điều hầu hết mọi đứa trẻ di dân đến Mỹ đều gánh chịu trong thời gian đầu hòa nhập vào cuộc sống mới.
Đáng ra đây phải là giai đoạn những người như Johnny cần nhất sự quan tâm đặc biệt của gia đình, của những bậc làm cha mẹ, anh chị. Thế nhưng, điều khắt nghiệt ở chỗ người lớn cũng phải lao vào cuộc mưu sinh, lao đao với những bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, gồng gánh những khoảng lo cơm áo,… Những nhọc nhằn, vất vả đó, đôi lúc lại trút xuống cả cho những đứa con trong nhà. Vì thế những đứa trẻ tự mình xoay trở, tự mình tìm lối đi. Để có thể chống chọi lại với những kẻ thích gây hấn, kiếm chuyện thì việc gia nhập vào một băng nhóm để có người bảo vệ mình là sự lựa chọn cho những đứa trẻ như Johnny. Nhưng chân lỡ bước xuống bùn, rút lên liệu có dễ dàng chăng?
 Tôi nhớ cảnh người thầy giáo trong phim nói chuyện với đám học trò Việt Nam đã tham gia đánh ‘hội đồng’ một “thằng trắng” khi nó dám gây sự với Johnny, “Các em hãy biết trân trọng những kỳ vọng của cha mẹ mình. Các em có biết vì sao họ muốn mang các em sang đây không? Các em có hiểu điều đó không?”
Và thật bất ngờ khi câu trả lời của những đứa trẻ là cái lắc đầu!
Đúng. Có thể chúng chưa đủ tuổi để hiểu ý nghĩa của hai chữ “tự do” theo cách cha mẹ chúng hiểu.
Chúng khó chịu với cách nói ra rả về công ơn, sự hy sinh của cha mẹ dành cho chúng, như cách nói của mẹ Mai.
Chúng không hiểu những điều đó. Chúng khó chịu về điều đó. Chúng chỉ biết chúng có cách làm theo kiểu của mình, để tự bảo vệ mình không bị kẻ khác bắt nạt, trước khi người lớn kịp nhận ra để chở che cho chúng.
Những điều đó có phải là cá biệt với những gia đình di dân nơi đây?
Hình ảnh Mai tựa chú chim non bị nhốt trong lồng, không tìm thấy sự đồng cảm và thấu hiểu từ bố mẹ, để rồi Mai phải tự tìm sự chia sẻ ở Johnny, người bạn từ thời thơ bé, về những cảm giác mới lạ của người thiếu nữ đang lớn, về những suy nghĩ cuộc sống bên ngoài.
Điều đó có phải cá biệt với mọi đứa trẻ trên xứ sở này?
Cảnh Mai tự mình cố gắng trút bỏ bào thai trong nhà vệ sinh, với tôi, là cảnh khủng khiếp nhất trong bộ phim. Nó đau đớn, nặng nề và khiếp hãi đến vô cùng so với những cảnh bắn giết khác. Tại sao Mai phải chịu đựng cảnh đó? Ai là người có lỗi trong chuyện này. Là Mai? Là Johnny? Hay mẹ Mai?
Ðó là kết quả của một sự chông chênh trên con đường định nghĩa cho 2 chữ “tự do,” là sự xung đột gay gắt của vấn đề thấu hiểu và cảm thông giữa cha mẹ và con cái. Việc coi trọng sĩ diện hảo huyền, sợ điều tiếng với chòm xóm, thích áp đặt, thiếu sự chia sẻ cũng là điều dễ dàng tìm thấy trong mỗi gia đình Việt Nam. Tuổi trẻ không có tội, tình yêu không có lỗi. Tất cả chỉ là vấn đề của nhận thức. Yêu thương không chưa đủ, hơn hết phải có sự thấu hiểu và cảm thông. Khi ấy, chuyện của Mai sẽ không trở thành một thảm kịch.
Và những thông điệp mở ra
Như nhà phát hành phim Trần Dần có nói, “Cuốn phim này không thuộc về một cá nhân nào, nó thuộc về cả cộng đồng.” Vâng, “Bụi Đời” là vấn đề của cả cộng đồng di dân này, là sự xung đột của ý thức hệ Ðông-Tây, là sự tìm kiếm một cách hiểu về hai chữ “tự do” của hai thế hệ.
Tôi hỏi diễn viên Devon Duy Nguyễn, người đóng vai Johnny, những suy nghĩ của anh về nhân vật trong phim. Devon chia sẻ, “Tôi cảm thấy hoang mang về thân phận của họ, những nỗi sợ hãi, những sự xung đột, những điều không định hướng.”
Cho nên, kết thúc bộ phim, Johnny bị chính người bạn trong băng đảng của mình bắn chết khi tìm cách thoát ra vòng tội lỗi, “theo tôi là một kết thúc hay,” Devon nhận xét. “Bởi vì nhân vật đó đôi khi không biết mình sẽ phải nên làm gì, đôi lúc muốn từ bỏ, nhưng rồi lại quá trễ để có thể làm điều gì đó.”
“Giữa phim và đời có nhiều điều khác nhau không?” Tôi hỏi.
“Tôi không nghĩ có sự khác nhau. Tôi cũng lớn lên trong bối cảnh giống như những gì đã diễn ra trong phim. Có nhiều điều quái dị trong cuộc sống đang diễn ra. Như diễn viên Mai Khanh trong phim có nói, ‘Mỹ là xứ sở của tự do.’ Nhưng thực sự đôi lúc chúng ta không có quyền lựa chọn sự tự do cho mình. Bậc làm cha mẹ vẫn có thể tống cổ chúng ta ra khỏi nhà nếu chúng ta không như ý họ mong muốn.” Devon trả lời tôi như thế.
 Cô Kiều Chinh, một diễn viên kỳ cựu, nhận xét, “Lúc đầu người ta nói đây là một bộ phim gangters, nhưng tôi thấy đằng sau đó là một thông điệp bi thảm của xã hội. Trong phim có cả vấn đề về gia đình, vấn đề những người trẻ, vấn đề người ta đối xử với nhau… tất cả đều khiến cho mình phải suy nghĩ.”
Từ “Bụi Đời,” tôi chợt nhớ một câu chuyện có thật.
Một người mẹ trẻ tất bận, hối hả với công việc làm nail nuôi sống gia đình. Một tối trở về, chị phát hiện ra đứa con gái 13 tuổi của mình đã thu dọn hết quần áo bỏ nhà ra đi.
Con đi đâu, với ai, để làm gì, chị không hề biết?’
Tìm con ở đâu đây? Chị không hề biết.
Không một thông tin, không mối liên lạc.
Chị khóc, báo nhà trường, báo cảnh sát và chờ đợi.
Ðến một ngày, bất chợt chị nhận cú điện thoại với giọng thảng thốt của con gái từ đầu dây bên kia, “Mẹ ơi cứu con!” Chỉ vậy và im bặt.
Chị điếng người.
Năm năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, chị không dám dời nhà, vẫn mòn mỏi chờ con quay về. Con chị nếu còn sống, giờ đã 18.
Bi kịck, tôi cho đó là một bi kịch, sẽ không là thiểu số cho những gia đình Việt Nam nơi đây, nếu chúng ta không kịp nhìn lại.
 Hy vọng, từ bộ phim này, một tiếng chuông cảnh báo về sự quan tâm cần có nơi phụ huynh được gióng lên. Và ai đó sẽ không phải chùng lòng khi nhìn thấy hình ảnh một cậu bé, tuổi như Johnny, như Mai, mặt cúi gầm, lầm lũi, cô độc bước đi trong một buổi lễ ra trường middle school hay high school, khi mà quanh nó, bạn bè tay hoa, tay bong bóng, miệng cười rạng rỡ bên người thân.
Bụi hay không bụi có trong mỗi gia đình, chính từ cách chúng ta đã quan tâm đến ngôi nhà của mình ra sao.
Vâng, “Bụi đời” của Lê Văn Kiệt, có thể còn một cái gì đó “chưa tới ở khâu kỹ thuật,” hay chưa thỏa mãn sự đánh đấm bắn giết như thường thấy trong những bộ phim gangster kiểu Mỹ, nhưng thật sự là một bộ phim hay, có chiều sâu, bởi “đằng sau nó là một thông điệp bi thảm,” như diễn viên Kiều Chinh nhận xét.

About Ngọc Lan

Tui là đứa hay khóc, dễ khóc và khóc dai. Nhưng đồng thời, tui cũng là đứa ương bướng đến độ lì lợm. Tui là đứa thích chuyện, kể chuyện, và nghe chuyện. Nhưng đồng thời, tui cũng là đứa rất lười nói chuyện. Tui là đứa nhớ dai nhớ lâu, ít càu nhàu Nhưng tui cũng là đứa mau quên, chóng quên và quên hết. Hehehe Sau cùng, Tui là Lan ù. Vậy thôi.
This entry was posted in Truyện và Chuyện. Bookmark the permalink.

39 Responses to Khi “Bụi Đời” thấp thóang trong mỗi ngôi nhà

  1. Độc-giả Texas says:

    Nước Mỹ tuy là nơi cho người ta cơ-hội tiến thân, nhưng vẫn có nhiều người không bao giờ kiếm được việc làm tương-đối cố-định, hoặc trở thành homeless từ khi còn rất trẻ. Lý do lâm vào cảnh đó có thể vì đã phạm vào những cái án nhẹ như vandelism khi còn là thanh thiếu niên. Dù có nhiều tài hoặc tốt-nghiệp đại-học, họ rất khó được nhận là nên chỉ có thể làm việc cho chính mình (self-employed) hoặc làm những odd jobs. Có lẽ Sư-phụ của Ngao sẽ cho chúng ta một cái nhìn rõ hơn.
    Rất có thể là nhà trường đã không nói cho các thanh thiếu niên biết cái hậu quả liên-đới là khó kiếm việc làm.

    Like

    • Già lụm lon says:

      My young friend,
      I have no silver bullet,
      Ngoài nhưng lý do cô NL trinh bầy ỏ trên, thảm cảnh này xảy ra cho mọi race, khi migrate to this country. Người Việt chu’ng ta co`n co’ the^m những yếu tố dưới đây.
      1- No social or family support networth available at that time
      2-Immigrant teenagers say they live within their own worlds in high school, college . Chỉ chơi thân vói bạn học VN, ESL class, separate teachers etc.
      3- Immigrant students normay are both socially and academically isolated. “Language is a problem, of course, but students are also often isolated to peer groups based on shared country of origin or language,”
      4-Teen immigrants say they have to adjust to a whole new way of life and identify their own entity as transition to adult at the same time.
      5- Culture shock and shock of freedom and material life.
      6- Biggest down fall: No dialoge and support from parents : Just you have to, you must , They can’t pick and plan for their own future.
      7- Parent expectation: Cha mẹ thuờng muốn con mình làm nhưng gì mình đã thất bại khi bằng tuỏi họ.Cha mẹ muốn con học vì họ, khong phải vì tương lai hay bản thân của chính con cái
      Để trả lời câu hỏi của ông bạn trẻ, thực ra họ co” thể làm lại cuộc đời nêu họ có chí khí và cương nghị. Bad record can wipe out by “show me attitude” and letter of recommendation. Honest, hard work and keep learning . They have to earn back the reputation.
      Do you have any teenages??

      Like

      • ngoclan says:

        NL đồng ý hết với những điều Già gợi ra, đặc biệt là số (7), thấm thía vô cùng. Mà chắc vì thế mà duy nhất ý này được Già viết bằng tiếng Việt để ai cũng đọc được 😛

        Like

      • Độc-giả Texas says:

        Dạ thưa Ngao có 1 gái 12 và 1 trai 10 tuổi. Vợ chồng Ngao sống gần gũi với các cháu. Cách giáo dục con cái thì vừa cứng vừa mềm.
        – Cứng: ăn cơm, học bài đúng giờ, đi đâu phải xin phép cả cha lẫn mẹ,etc
        – Mềm : giữ thể-diện cho con cái nghĩa là không la rầy chúng trước mặt người khác. Nếu cần thì Ngao mời cháu đi ăn để nói chuyện cho nó dễ focus. Không bắt buộc phải thành bác sĩ, dược sĩ,etc.
        Cám ơn Sư-phụ luôn dành cho độc giả của blog NL những lời chia xẻ giá-trị và chân-tình.

        Like

        • ngoclan says:

          Con gái Ngao thì lớn hơn con trai NL, con gái NL thì lại hơn con trai Ngao. –> thế là không có cơ hội “làm sui” rồi 🙂

          Like

          • Van Nguyen says:

            Ui trời ơi, sao tự nhiên lạc chuyện mai mối zô đây nữa! 🙂 Blog này thập cẩm à nghen!
            Thằng con tui 15 tuổi, dị là đủ tiêu chuẩn làm sui với cụ Ngao rồi hén! hehe!

            Like

    • ngoclan says:

      Lại nhắc “Sư-phụ của Ngao” 🙂 Chưa thấy ai ghiền sư phụ như anh này 😛

      Like

  2. Van Nguyen says:

    Đang chờ phin này lên Netflix để coi mà hình như chưa có.
    Bữa nay có tin một đứa high school ở Ohio xách súng vô trường bắn chết hết một đứa học sinh với làm cho mấy đứa nữa bị thương, báo chí đang cảnh báo về việc bullying trong trường học, có lẽ đứa học sinh này bị bully cho nên nó tức nó phản kháng.
    Bởi dị tui cứ hay hỏi 2 thằng nhóc của tui là đi học có ai chọc ghẹo nó hông. Hai đứa ưa hỏi tui là nếu trong trường có đứa nào ăn hiếp nó thì nó được đánh lại không, tui nói, ‘Con cứ đánh lại, đánh cho nó khóc thì nó hết ăn hiếp con, cho dù có bị detention cũng hỏng sao!’
    Cũng đỡ là hai thằng nhóc ưa nói chuyện với tui, chứ hỏng có im im như nhiều đứa teens mà tui thấy. Cũng vái trời cho nó lo học hành! Hehe!

    Like

    • ngoclan says:

      Phim này nhiều năm rồi.
      Thà là mình ra tay trước hả? Cái này chắc hồi nhỏ Hến từng bị bắt nạt rồi nên rút kinh nghiệm 🙂

      Like

  3. ken zip says:

    tui đọc entry này không biết đây là lần thứ mấy nữa. Có cái gì cứ nhoi nhói trong lòng. Ngọc Lan không có sống bên Mỹ, nhất là ở Bolsa trong giai đoạn đó, thời điểm mà nạn du đãng, xì ke ma túy… xảy ra dữ dội nhất trong cộng đồng mình.
    Lý do ư! Thì cũng không ngoài những lý do mà Ngọc Lan nêu trên, nhưng qua sách vở, phim ảnh thì nó rõ ràng, trần trụi hơn nhiều. Đến nỗi tạo thành phong trào để cho các cây viết tiểu thuyết, phóng sự hoặc làm phim ảnh đều xoáy vào đề tài nóng hôi hổi này mà thành tác phẩm. Ví dụ như: Vàng Đen, Share Phòng Share Tình , Đại Ca Tiểu SaiGon, Gái Thời Đại, Bụi Bolsa…
    Những cuốn này hình như vẫn còn nằm đâu đó trong tủ sách của tui, và hình như chúng cũng đã phủ 1 lớp bụi đời rồi…
    Tui có 1 thằng bạn hơi thân học chung college. Nó học giỏi lắm. Tánh nó dễ thương lắm.Thương bạn còn hơn thương thân nó nữa. Tui chỉ học lấy bằng A.A rồi tui đi làm. Nó transfer lên University. Một thời gian dài tui không còn liên lạc với nó nữa.
    1992 tui quen nhà tui. Tụi tui tối cuối tuần thường đi xem phim, đi uống cà phê loanh quanh bolsa. Tiệm cà phê mà tui hay đưa bả tới là DV, trên con đường First.
    Tối đó khi đang nhâm nhi ly cà phê mới vừa được bưng ra, tui thấy có 1 thằng đội nón sùm sụp, ghé sát tai tui: ” K. mày dắt con ghệ mày rời khỏi nơi đây liền, nhanh lên! Đ. M., mày có nghe tao nói không,… dọt lẹ đi.” Tui vừa kịp nhận ra nó thì nó đã lẩn mất tiêu. Tui ba chân bốn cẳng nắm tay bả đánh bài chuồn, không kip trả tiền.
    Sáng hôm sau tui nghe tin tối hôm đó, ở nơi đó có vụ thanh toán băng đảng. Chết cũng có, bị thương cũng có. Tui nghe mà rụng rời cả tay chưn…
    Tui hoàn toàn không biết lý do gì mà nó dính vô băng đảng. Tương lai của nó sáng lạng hơn tui nhiều mà. Nó là thằng luôn tử tế với bạn bè mà! Trời ơi!!!
    ” T. ơi! Tao biệt vô âm tín với mày từ đó tới nay. Mày làm sao vậy mày! ? Tao đíu cần biết mày là ai, hay mày làm cái gì hết! Vợ chồng tao vẫn còn nợ mày 1 món ân tình lớn đến độ tao không biết cách nào trả được nghen mậy! Mày có nghe tao nói không,T. ? ”
    Đó là lý do tại sao tui đọc không sót 1 cuốn sách nào về đề tài này . Đó cũng là lý do tại sao tui không muốn lục lại chồng sách xưa nữa, dù biết nó đã phủ một lớp bụi thời gian, hay lớp bụi đời khá dày. Tui sợ sẽ làm nhòa lớp bụi bặm, hình bóng của thằng bạn xưa lại hiện về với cách nheo nheo mắt thấy tếu lắm lận.
    T. ơi! Còn có dịp nào tụi mình đi uống cà phê , ôn lại chuyện bố lếu bố láo ngày xưa nữa hông, mậy!!!

    Like

    • ngoclan says:

      Cám ơn những dòng của anh Ken.
      Đọc nghe buồn quá.
      NL nhớ lần vô tù thăm em KQ để viết bài về “Người tù 19 tuổi,” hay sau khi nói chuyện với Tùng Nguyễn, và qua những email độc giả gửi vào, mình mới thấy, cuộc di dân nào cũng phải trả giá nhiều quá…..

      Like

    • ngoclan says:

      “tui đọc entry này không biết đây là lần thứ mấy nữa. Có cái gì cứ nhoi nhói trong lòng.”
      Vậy là do NL viết hay phải không, hehehe

      Like

    • Van Nguyen says:

      Tui cũng hy vọng cụ ÔC có cơ hội gặp lại người bạn cũ!

      Like

  4. Già lụm lon says:

    @Ngao , NL
    Tre cần uốn khi nhỏ, con mình cần nhất là tình thuơng, thông cảm, flexible và help them to set their own goal.(not parent’s goal)
    Sharing một chút gợn lăn tăn của mảnh đời lụm lọn
    Hùi nhỏ cậu con trai của tui, luôn nói vói chị và mẹ ” I hate Dad” nhưng sau khi truỏng thành,na(m ngoái, một bũa 2 cha con ngôi uong ruọu voi nhau, tui có nói vói cậu ta: ba sorry đã quá nghiêm khắc vói con hùi nhỏ và không dành thêm nhiêu thì giờ cho các cọn. Cậu ta trả lời: Chúng con appreciated ba me đã uốn nắn , dạy dỗ chúng con, chúng con nên nguòi là vây. Khi con có con, con sẽ còn khó, nghiêm khắc hơn ba mẹ hùi xụa. Now we are good friends.
    Giọt kim cương lóng lánh. Priceless.

    Like

  5. Độc-giả Texas says:

    Cám ơn Sư-phụ!
    Ngao nghe nói một số cha mẹ VN cứ muốn cho con mình thành bác sĩ, hay những gì mà họ đã không làm được vì hoàn cảnh gia đình và chiến tranh khi còn nhỏ.
    Cũng có cha mẹ lại quá “Mỹ hoá” để con cái tự do. Sau này chúng không thành công lại quay trở lại oán cha mẹ đã không dạy dỗ chúng.
    Ngao nghĩ dạy con là cả một nghệ-thuật mà cha mẹ cần rút tỉa kinh-nghiệm từ những người đi trước, vấp ngã của người khác, cách giáo dục mà cha mẹ đã dùng cho mình rồi tùy theo tính tình của từng đứa con mà áp-dụng.
    The key vẫn là 4 điều mà Sư-phụ nói trên: tình thuơng, thông cảm, flexible, và setting goal.

    Like

  6. Ut NC says:

    Tui hoàn toàn đồng ý với Bác già lụm lon về vấn đề dạy dỗ con cái ở hải ngoại này. Tôi có 1 chuyện nhỏ muốn chia sẽ với quý vị là: Cách đây chắc khoảng hơn 5 năm tôi có nghe 1 dĩa CD của 1 Cha xứ giảng về vấn đề giáo dục con cái của chúng ta. Ông Cha đó có hỏi giáo dân là chúng ta dạy con từ thuở nào? đa số mọi người đều nói từ lúc mới ra đời….nhưng Ông Cha mới nói dạy con từ thuở 20- 30 năm trước… Ý của Cha là phải dạy mình trước mình phải noi gương trước… Tôi thấy ý này có vẻ hay nên có lần ngồi nói chuyện trong gia đình tôi có đưa ý này ra nói với mọi người. Quý vị biết không tôi bị phản ứng liền (180 độ luôn) đa số những người phản ứng tôi thấy họ có tính “tự ái ” cao và họ nghĩ chắc là tôi nói xấu họ chăng? Ý của họ là dạy con là dạy con chứ không phải dạy mình……làm tôi im re luôn………..

    Like

    • ngoclan says:

      Đúng rằng cha mẹ phải tự làm gương trước, nhưng mỗi đứa trẻ nhìn vô, cũng tự biết ít nhiều điều chỉnh thế nào để nó trông được hơn 🙂

      Like

      • Van Nguyen says:

        Đúng dị! Phải biết tự điều chỉnh chớ! Thí dụ ba của nó lãng tai mở TV lớn tiếng thì nó phải biết điều chỉnh cho nhỏ tiếng hơn! Hehe!

        Like

  7. Độc-giả Texas says:

    Mình phải set “good example” chứ!
    Có 1 câu chuyện hơi buồn cười. Một bà chủ nhà hàng VN mua chả giò do một bà bỏ mối và chỉ chiên sơ lại khi có khách order. Tuy nhiên, bà thường nói với khách hàng rằng do tự tay bà làm. Con cái của bà nói rằng mẹ chúng nói láo và thường cười với nhau.
    Đây là một thí dụ chứng tỏ con cái có thấy chúng ta xứng-đáng với lời cha mẹ khuyên chúng hay không.

    Like

  8. Ut NC says:

    Có cái nói dối này không biết theo Chị NL chấp nhận được không nhe?
    Tôi có 1 ông bạn làm móng tay cứ hễ người phụ nữ nào vào móng tay anh ta đều khen là ” You look so beautiful,….today “

    Like

    • Van Nguyen says:

      Chắc ổng học ESL được có câu này đó Ut ơi! Hehe!

      Like

    • ngoclan says:

      Có lẽ cái này không phải là nói dối, mà chỉ “xạo xạo” một chút cho đời nó vui 😛
      Trong cuộc sống, đôi lúc những lời nói như vậy cũng rất cần – để nghe cho vui, để mà cười, nhưng quan trọng là cười rồi thôi, đừng ghi danh đi thi hoa hậu là được 🙂

      Like

      • Già lụm lon says:

        Cái này là phép xã giao thui(NL kêu là PR), nhất là trong cái ngành “Thương Mại” của mình
        Giống như ngươi da trắng thuờng khen “ngon” khi mói bỏ foods vào miệng, chua nhai, chua nuốt nũa (it is good :P)

        Like

    • dat diep says:

      Đôi lúc nói 1 câu nói láo vô hại còn tốt hơn chuyên chở 1 câu nói thật đến phủ phàng

      Like

  9. Già lụm lon says:

    (Copy/paste)
    Một người cha dắt đứa con 6 tuổi đi sở thú chơi. Đến quầy bán vé, người cha dừng lại đọc bảng giá:
    “Người lớn: $10.00
    Trẻ em trên 5 tuổi: $5.00
    Trẻ em dưới 5 tuổi: Miễn phí”
    Đọc xong, ông nói với người bán vé:
    – Cho tôi 1 vé người lớn và 1 vé trẻ em trên 5 tuổi.
    – Con ông trên 5 tuổi à? – Người bán vé tò mò hỏi lại.
    – Vâng.
    – Nếu ông không nói cho tôi biết thì thằng bé được miễn phí rồi.
    – Vâng, có thể không ai biết, nhưng con tôi tự nó biết.

    Like

    • Van Nguyen says:

      Dị thì nói nhỏ nhỏ thôi, đừng để thằng nhóc nghe! hehe!

      Like

    • ngoclan says:

      NL có kinh nghiệm chuyện này cách đây vài năm, trong một lần đi ăn buffet. Ánh mắt ngạc nhiên và giọng nói nhỏ nhỏ của 2 đứa nhóc “đó không phải tuổi con” khiến tui chết trân.
      Từ đó về sau, tự hứa với lòng, không bao giờ đánh đổi những điều như vậy chỉ vì những vụn vặt của cuộc sống.

      Like

Leave a reply to Ut NC Cancel reply